Các nhà khoa học đã giải mã hoàn chỉnh gien chuột lớn – những chỉ dẫn sinh hoá trong tế bào của loài gặm nhấm này. Đây là loài động vật có vú thứ ba được giải mã sau người và chuột nhỏ.
Một nhóm các nhà khoa học từ 20 viện ở sáu nước, thuộc Dự án Giải mã gien chuột lớn, đã sử dụng chuột nâu Na Uy (Rattus Norvegicus) để giải mã. Hơn 90% ADN của phân loài này đã được đọc, phân loại và phân tích để tạo ra bản đồ phác thảo. Họ cho rằng 10% còn lại không chứa các dữ liệu quan trọng nên hiện chưa có kế hoạch giải mã nốt thông tin còn lại. Bộ gien của chuột lớn có ”kích cỡ” gần bằng bộ gien của con người và chuột nhỏ, với 2,75 triệu ký tự, so với 2,9 triệu của người và 2,6 triệu của chuột nhỏ. Nó cũng chứa khoảng 25.000 gien (con người khoảng 30.000 gien). Và rõ ràng là phần lớn gien ở chuột lớn có thể được tìm thấy ở người.
Chuột lớn là loài được ưu tiên hàng đầu để giải mã bởi nó có vai trò quan trọng đối với các nghiên cứu y học. Trong gần 200 năm qua, giới khoa học đã sử dụng chuột lớn làm mô hình thử nghiệm những ý tưởng về hệ sinh học của con người. Ngày nay, cùng với họ hàng là chuột nhỏ, chúng được sử dụng trong hơn 80% tổng số thí nghiệm. Chuột lớn được sử dụng trong thực tập phẫu thuật, nghiên cứu ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, điều tra các chứng rối loạn tâm thần, sự phục hồi tế bào thần kinh, đánh giá độc tố của các loai thuốc mới…
Các chuyên gia đã làm cho hàng trăm giống chuột nhiễm các căn bệnh giống người. Hiện với những thông tin trong bộ gien chuột lớn, các nhà khoa học có thể tạo ra những loại bệnh ngày càng giống như ở người. Theo GS Howard Jacob thuộc ĐH Y Wisconsin, chuột lớn vẫn là mô hình chính trong các thử nghiệm tiền lâm sàng đối với bệnh của con người nhằm phát triển những loại thuốc mới”.
So sánh bộ gien chuột lớn với bộ gien người và chuột nhỏ cũng giúp giới khoa học hiểu được quá trình tiến hoá của động vật có vú. Dữ liệu di truyền của chuột lớn cho thấy 40% gien của động vật có vú hiện đại bắt nguồn từ tổ tiên chung, cuối cùng, từng tồn tại cách đây hàng chục triệu năm. Con người và loài gặm nhấm tách ra khỏi tổ tiên chung cách đây chừng 80 triệu năm trong khi chuột lớn và chuột nhỏ phân tách cây đây 12-24 triệu năm. Thậm chí ngày nay, ba loài này có 280 đoạn nhiễm sắc thể giống hệt.
Phân tích di truyền còn cho thấy chuột lớn tiến hoá nhanh gấp ba lần so với con người và chuột nhỏ. Các vùng tiến hoá nhanh nhất là những vùng liên quan tới khứu giác nhạy cảm. Khứu giác được sử dụng trong việc dò nguy hiểm, đánh dấu lãnh thổ và chọn bạn tình. Chuột lớn có khoảng 2.070 gien thụ thể khứu giác, nhiều hơn khoảng 30% so với chuột nhỏ. Nhiều chi tiết hơn về hoá sinh và sự tiến hoá của động vật có vú sẽ trở nên rõ ràng khi giới khoa học so sánh gien người, gien chuột lớn và chuột nhỏ với gien của tinh tinh và chó. Về mặt di truyền, cho gần với người hơn các loài gặm nhấm.