“Vua diệt chuột” Trần Quang Thiều

Với chiếc bẫy chuột tự tạo hình bầu dục, ông Trần Quang Thiều ở đội 9, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã tiêu diệt hơn 10 triệu con chuột trong gần 8 năm qua, giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng và tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các công ty, xí nghiệp… nhờ thoát khỏi sự phá hoại của chuột.

20 lần được khen thưởng

8 năm trước, rất nhiều nông dân thôn Bình Vọng, xã Văn Bình khổ sở vì chuột phá hoại mùa màng, mặc dù họ đã bẫy chuột bằng bẫy hình bán nguyệt. Khi ấy, ông Thiều đang là Phó trưởng thôn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ sản xuất. Xót ruột khi nhìn đàn chuột phá tan hoang những ruộng lúa xanh tốt, ông Thiều liền tìm hiểu về chiếc bẫy bà con đang sử dụng. Cuối cùng, ông thấy chiếc bẫy hình bán nguyệt có những nhược điểm sau: Lò xo của bẫy yếu, bẫy phải đặt cạnh đường đi của chuột và chuột phải tiếp xúc vào phần trước của bẫy mới bị tiêu diệt, chuột nhỏ dễ lọt lưới,…

Hai mẫu bẫy chuột hoàn hảo tự tạo của ông Thiều

Khắc phục những nhược điểm trên, ông Thiều chế tạo chiếc bẫy hình bầu dục với khấc định vị luôn giữ cho quả đối trọng ở giữa được thăng bằng, tiết diện rộng, lò xo khỏe, chuột chỉ cần chạm nhẹ vào là không thể thoát. Những chiếc bẫy hoàn hảo này có thể đặt ở bất cứ địa hình nào: Trên dây, cây, mặt đất, mặt nước,… Hiệu quả đem lại làm hài lòng mọi người. Cùng số lượng bẫy đặt ở những vị trí khả quan nhất nhưng số chuột bị tiêu diệt bởi bẫy của ông Thiều tăng gấp rưỡi so với chiếc bẫy hình bán nguyệt. Trong gần 8 năm, chiếc bẫy của ông Thiều tiêu diệt được hơn 10 triệu con chuột ở khắp các địa phương trong cả nước, điển hình có lần 1.500 con chuột sập bẫy sau một đêm.

Vua diệt chuột Trần Quang Thiều bên đống chuột diệt được sau một đêm ở chợ Đồng Xuân

 

Công ty Diệt chuột do ông Trần Quang Thiều làm Giám đốc ra đời. Các bản hợp đồng diệt chuột của công ty ngày một dày lên: Công ty chứng khoán Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty Hạt điều Nhật Huy (Bình Dương), chợ Đồng Xuân,… Giám đốc Thiều tự tin cho biết: “Hợp đồng diệt chuột có cam kết, sau thời gian diệt mà vẫn có chuột xuất hiện, chúng tôi sẽ đền bù thiệt hại cho đối tác theo giá thị trường. Công ty Hạt điều Nhật Huy, nhờ bẫy chuột của tôi mà mỗi tháng họ tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng tiền vá bao hoặc mua bao đựng hạt điều mới”.

Với sáng kiến của mình, Giám đốc Công ty Diệt chuột Trần Quang Thiều đã 20 lần được các cấp khen thưởng. Ông thành thật chia sẻ: “Mình diệt chuột vừa giúp bà con bảo vệ mùa màng, tài sản trước sự tấn công của chuột, vừa đem lại kinh tế cho gia đình. Nhưng giá mà nhận được kết quả chứng nhận “Giải pháp hữu ích” mà mình đề nghị từ hơn 1 năm nay sẽ vui biết mấy”!

“Chuyên gia” về chuột

Ông thiều (thứ 2 từ trái sang) tham gia hội thảo bảo vệ thực vật
của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
 
Song song với việc chế tạo, cải tiến, hoàn chỉnh chiếc bẫy, ông Thiều tiến hành nghiên cứu đặc điểm và quy luật hoạt động của loài chuột. Đây cũng là thời gian ông tích lũy được vốn kiến thức khá lớn về loài gặm nhấm này. Việt Nam hiện có 43 loài chuột và đã có 32 loài sập bẫy của ông Thiều. Ông Thiều tìm ra 15 cách phát hiện đường đi của chuột và 12 cách đặt bẫy hiệu quả.
Tìm hiểu phạm vi hoạt động của loài chuột, ông Thiều thí nghiệm cắt một phần đuôi hoặc buộc dây thép nhỏ vào chân 18 con chuột đực tại một cánh đồng ở Bắc Ninh rồi thả chúng ra. Một năm sau, ông tìm thấy 6 con đã đánh dấu ở cánh đồng thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông Thiều kết luận, loài chuột có thể di chuyển quãng đường hàng chục kilomet để kiếm ăn. Trong văn phòng của ông Thiều, bảng mô tả hoạt động của chuột được dán tại vị trí dễ nhìn. “Chuyên gia về chuột” cho biết: “Chuột đồng, chuột nhà, chuột đực, chuột cái hoạt động khác nhau. Chuột cái ở đồng hoạt động mạnh vào 3 tháng đầu năm, chuột đực hoạt động mạnh trong tháng 4, 8 và 11. Còn chuột nhà thì lúc nào cũng “rộn ràng” như vào mùa thu hoạch vậy”.
Chỉ tay vào hình vẽ mô tả quy luật hoạt động của chuột, Giám đốc Thiều nói tiếp: “Loài chuột có 2 phản xạ chính là phản xạ có điều kiện và phản xạ tức thời. Phản xạ có điều kiện như: Chúng đi và về cùng một đường, những con đi sau luôn đi đúng đường con đi trước,… Còn phản xạ tức thời như bất chợt ngửi thấy mùi thức ăn thì lập tức kéo đến cắn phá”. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu này mà ông Thiều chẳng bao giờ để lọt chuột trong khu vực đặt bẫy. Ông Thiều lấy ví dụ ngay về lần đặt bẫy chuột tại chùa ái Mộ (Gia Lâm): “4h chiều, tôi định đặt bẫy. Nhà sư trong chùa tỏ ra nghi hoặc bởi lúc đó không phải là giờ chuột hay đến tha mồi. Tôi nhờ nhà sư thắp hương, sau vài tiếng, hàng trăm con chuột sập bẫy trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Lũ chuột ở đó có thói quen ngửi thấy mùi hương là kéo đến mà”.
Rồi ông hào hứng kể về “câu chuyện thủy chung” của gia đình loài chuột, về đặc điểm mài răng và đổi răng liên tục của chúng. “Nhưng nghề nào cũng có cái khó riêng, không cẩn trọng thì nhiều khi chuột chưa bẫy được, người đã bị rắn độc cắn rồi. Thế nên chúng tôi có kinh nghiệm là, ngày nào chuyển tiết trời, ra đồng thấy gió lạnh sởn da gà thì chúng tôi quay về. Những ngày ấy, rắn độc xuất hiện nhiều, người bẫy chuột dễ trở thành nạn nhân” – ông Thiều tâm sự.
Tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động địa phương với tổng thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng/người, ông Thiều rất lạc quan: “Chuột sinh sản nhanh lắm, tôi nắm được quy luật rồi nên nhân viên công ty tôi không bao giờ lo thất nghiệp…”.