Dưới mắt nhà khoa học, chuột là loài dịch hại nông nghiệp, truyền bệnh cho người. Với nhà tử vi, nó là sếp của 12 con giáp…
Giới khoa học nông nghiệp thường gọi đùa tiến sĩ (TS) Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) là “TS chuột” bởi ông là nghiên cứu sinh duy nhất làm luận án TS về họ nhà chuột. Theo TS Hùng, “thành tích” họ chuột rất cao. Năm 1989 ở Thái Lan, chuột ăn lúa trị giá 11 tỉ baht (420 triệu USD). Năm 1987 ở Indonesia, chuột gặm hết 8,21 triệu tấn lúa, trị giá 1 tỉ USD. Riêng ở VN, thiệt hại do chuột phá tính bằng diện tích (năm 1997 có 375.000 ha lúa bị phá), nên không thể quy thiệt hại thành tiền. Chuột có mặt ở khắp thế giới, riêng ở VN có 43 loại.
Chuột giữ kỷ lục sinh sản. Các con cái – từ loài nhỏ nhất “chuột đồng nhỏ” nặng 100 g, đến loài to nhất “chuột đất lớn” nặng 500 g, đều có 12 vú để nuôi bình quân 10 con/lứa. Chuột đồng lớn mang thai 3 tuần, chuột mẹ có thể giao phối ngay sau khi đẻ, trong lúc cho con bú kéo dài 3 tuần. Chuột con thôi bú tự kiếm ăn, khoảng 2,5-3 tháng tuổi thì trưởng thành về sinh dục. Tuổi thọ trung bình của chuột cái: 422 ngày, tuổi sinh sản bình quân: 62 ngày, khoảng cách hai lứa đẻ: 42-60 ngày. nên “chuột bà sơ” đẻ cùng với “chuột cháu sơ” là chuyện thường ngày. Lứa đẻ cao nhất tìm thấy ở đồng bằng Cửu Long là 20 con.
Nghiên cứu nuôi chuột đồng lớn với dinh dưỡng cao và đầy đủ vitamine bổ sung, cho thấy tuổi sinh sản chuột cái giảm còn 49 ngày, khoảng cách hai lứa giảm còn 28 ngày, chuột cái đẻ đến 8 lứa/năm. Tuy nhiên, để bảo vệ “sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, chuột ngoài đồng biết “sinh đẻ có kế hoạch” tùy theo tình hình an ninh và lương thực. Ở khu vực trồng lúa hai vụ, mùa sinh sản của chuột trùng với hai vụ, từ lúc lúa làm đòng đến khi gặt. Sức sinh sản của chuột cũng lệ thuộc tình hình an ninh, nơi nào làm hang không an toàn, bị lũ lụt thì cường độ sinh sản nơi đó giảm rõ rệt.
Đôi răng cửa của chuột hình vòng cung rất khỏe, phát triển trong suốt cuộc đời với độ mọc dài bình quân 11-12 mm/năm. Vì thế chuột tận dụng mọi thời gian để gặm bất cứ thứ gì dai cứng, không phải thức ăn, để không bị há mỏ. Nếu một răng cửa bị hư thì răng đối diện không gặp vật cản sẽ mọc dài ra thành vòng răng, chuột sẽ chết vì không ăn được. Nhược điểm nữa là chuột không biết đi lùi, nên con người chế ra bẫy đơn giản là bỏ mồi vào ống tre (đường kính bằng thân chuột), bít đầu bên kia. Chuột vào ăn là nằm chịu trận, chờ bị tóm!
Nếu thiếu thức ăn, chuột đồng chỉ rời hang tối đa 800 m để tìm mồi, nhưng nếu điều kiện sống thay đổi lớn, chúng có thể bỏ xứ ra đi. Nhóm nghiên cứu của TS Hùng đã đặt hàng rào ni-lông dài 1.500 m tại biên giới Hà Tiên- Kiên Giang và ở Mộc Hóa- Long An. Dọc hàng rào, đặt hàng trăm bẫy hom so le nhau: cửa lồng một hướng về phía VN để bắt chuột “xuất cảnh”, và một hướng về phía Campuchia để bắt chuột “nhập cảnh”. Kết quả cho thấy từ giữa tháng 10 đến tháng 11-1996, chuột tập trung xuất cảnh, tức đầu mùa lũ ở VN và vụ hè thu đã gặt xong, trong khi bên Campuchia đất cao không ngập và sắp gặt vụ lúa mùa. “No cơm ấm cật” ở hải ngoại, chuột “nhập cảnh” về VN từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3-1997, tức sau mùa lũ, lúa đông xuân sắp trổ đòng.
Chuột gần biên giới biết tránh lũ, nhưng chuột phía hạ lưu phải sống chung với lũ. Khi lũ lên, chuột tập trung về các gò cao, nông dân đón đầu đặt trên đó các bẫy chà để “mời khách”. Họ lấy lưới bao quanh rồi dỡ chà hốt trọn đám chuột tạm cư, mang lên thành phố bán cho các nhà hàng đặc sản. Khi lũ lớn, chuột phải bơi đi kiếm mồi, nhưng vẫn biết thủ thân để không làm mồi cho kẻ thù truyền kiếp là rắn hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, chúng biết bơi thành đàn núp sau đuôi ghe máy. Tuy vậy, tổn thất sinh mạng họ chuột mùa lũ vô số kể, chỉ nhờ khả năng sinh sản đặt biệt, chuột mới phục hồi nhanh dân số sau đó.
Tuy số lượng loài đông nhất nhưng họ chuột rất ít loài có ích, đa số loài có hại cho cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, phá hoại đường giao thông và công trình đê điều, lây truyền bệnh nguy hiểm cho người và vật nuôi mà điển hình là dịch hạch. Tuy nhiên, chuột trong mắt nhà tử vi và họa sĩ khác hẳn. Chuột được sách tử vi đặt lên đầu 12 con giáp, được các họa sĩ dân gian “nhân cách hóa” trong những bức tranh có giá trị văn hóa như “đám cưới chuột”, “chuột đỗ trạng vinh quy bái tổ”. Năm 1964, Douglas Engelbart phát minh ra thiết bị nhập (input device) máy tính, đặt tên là chuột (mouse). Từ đó, chuột máy tính được các nhà chế tạo cải tiến thành đa năng cho game thủ, hoặc chuột chuyên dùng cho người bị bệnh run tay, với hình dáng ngày càng dễ thương.