Từ nhiều năm nay, ông Trần Quang Thiều, trưởng thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã được mệnh danh là “vua diệt chuột”. Bằng những chiếc bẫy hết sức đơn giản nhưng nhờ phương pháp diệt chuột độc đáo, ông cùng với nhiều nông dân ở các tỉnh và thành phố khác đã diệt gần 20 triệu con chuột, bảo vệ mùa màng, giúp người dân giảm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Cách diệt chuột của ông trở thành “Điển hình sáng tạo Việt Nam”, được chuyên gia nước ngoài ngưỡng mộ, mời hợp tác. Ông đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành.
Khắc tinh của loài chuột
Ông Thiều tâm sự, nghề diệt chuột đến với ông từ năm 2000, khi bà con địa phương tín nhiệm bầu ông làm đội trưởng sản xuất nông nghiệp. Vụ cấy đó, thiệt hại mà lũ chuột gây ra cho cây cối, hoa màu của người dân quê ông ước tới 10%. Sau này khi bắt tay vào “nghiên cứu”, ông mới giật mình phát hiện ra rằng: Từ một con chuột cái nếu để tự do sinh con đẻ cái thì mỗi năm đẻ thêm được… 2.000 con; đàn chuột con này lại có khả năng gây hại tới 30-40%/sào ruộng. Chính vì thế, nhiều người tính làm chẳng có ăn, ngán ngẩm muốn bỏ đất hoang…
Khi đó, trên thị trường có bán đủ các loại bẫy, thuốc diệt chuột. Để diệt chuột, ông Thiều lùng mua đủ loại, làm đủ cách nhưng hiệu quả vẫn thấp. Quyết không lùi bước, ông kiên trì nghiên cứu và tìm ra đặc tính hoạt động của 3 loài chuột. Ông nhận thấy mỗi loài lại có những đặc điểm riêng. Chuột đồng hoạt động từ lúc nhá nhem tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Chuột rừng gò đồi hoạt động cả ngày, đi thành đàn 4-5 con và chuột nước thì đi đơn lẻ. Nắm được quy luật đó, ông Thiều diệt chuột cả ban ngày, đặc biệt ở các khu vực đình chùa, chúng hoạt động theo “phản xạ có điều kiện”. Lần ở chùa Xã Đàn (Ái Mộ), khi khách đến thắp hương thì một lúc sau là chuột xuất hiện để tìm ăn hoa quả, xôi, oản… Tìm được đường đi của chúng, ông đặt bẫy bắt được vài con trước sự ngỡ ngàng khó tin của sư thầy và du khách. Tương tự, ông còn đặt bẫy treo bắt đựơc chuột trên dây điện. Dươi nước thì tùy địa hình, cài nổi miếng gỗ hoặc miếng xốp đặt bẫy. Ông kể, vì chuyện này mà trong một cuộc hội thảo về xử lý loài chuột do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều chuyên gia là giáo sư, tiến sĩ tỏ ra không tin cách diệt chuột dưới nước và trên dây của ông Thiều. Hôm đó, hội thảo quy định mỗi diễn giả được phép nói từ 8 đến 10 phút, riêng ông được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho phép trình bày thoải mái, bao giờ xong thì thôi! Thế là trong vòng 30 phút, ông hào hứng vừa giới thiệu, vừa thao tác về kỹ thuật các cách đặt bẫy diệt chuột. Kết quả là hầu hết các đại biểu dự hội thảo đều phải tâm phục khẩu phục. Biết tài của ông, Điều phối viên Chương trình quản lý diệt hại lúa tổng hợp liên quốc gia vùng Đông Nam Á (IPM) C.Matteson – người Đan Mạch – đã ngỏ ý mời ông đi lưu động diệt chuột cho các nước khu vực châu Á.
Không chỉ là “bạn của nhà nông”
Trong lúc trò chuyện, điện thoại cố định và điện thoại di động của ông Thiều liên tục đổ chuông. Ông bảo đó là khách hàng ở khắp nơi mời ông đến diệt chuột. Ông Nguyễn Bá Phong, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết: Tháng 3/2009, ông Thiều cùng cộng sự đã về xã Tân Việt diệt được trên 700 con chuột trong 3 ngày, con to nhất trên 1 kg, cứu mấy trăm ha lúa, hoa mầu khỏi bị chuột tàn phá. “Cái quý nhất ông Thiều để lại là ông đã hướng dẫn bà con tự đặt bẫy diệt chuột” – ông Phong phấn khởi. Ông Thiều còn cho tôi xem các hợp đồng mới như hãng ô tô Ford, các HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng… Khách hàng lâu năm của ông – Doanh nghiệp xúc xích Việt Đức còn cho biết, nếu không có cách diệt chuột an toàn như của ông Thiều thì nhiều thiết bị của doanh nghiệp này bị chuột cắn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, chưa kể ảnh hưởng đến sản xuất.Đến nay, ông Thiều đã ký hợp đồng diệt chuột với trên 200 đơn vị, cơ quan, trong đó có các doanh nghiệp, trường học, sân bay, bến cảng, nhà ga, trung tâm viễn thông, chế tạo máy… Trung bình mỗi ngày ông có vài hợp đồng, trị giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Với những thành tích lớn trong việc bảo vệ sản xuất và đời sống, ông Trần Quang Thiều đã nhận được nhiều bằng khen và phần thưởng của các cấp. Trong đó có 3 Bằng khen của Bộ NN&PTNT, 5 Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây (cũ)…
Năm 2006, ông thành lập “Doanh nghiệp hướng dẫn và cung ứng bẫy chuột” ở địa chỉ: 607 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai và 299/30A/3 Lê Quang Sung, P6, Q6, TP HCM. Từ 30 người ban đầu, đến nay doanh nghiệp của ông đã có tổng số 50 người, chủ yếu là bộ đội phục viên, tham gia sản xuất bẫy và làm dịch vụ diệt chuột. Hai con trai của ông là Trần Quang Tại và Trần Quang Nghìn cũng theo gót cha, trở thànhnhững tay diệt chuột giỏi.
Gần chục năm nghiên cứu, ông viết cả nghìn trang sách về các loài chuột, thống kê ở Việt Nam có 43 loài. Ông còn đúc kết thành cẩm nang “15 cách phát hiện và 12 cách đặt bẫy chuột”