Ông tên Trần Quang Thiều, nhưng bà con nông dân thích gọi ông là “vua diệt chuột đất Hà Tây”.
Ông đi đánh chuột khắp tám tỉnh phía Bắc, thành lập hàng ngàn “biệt đội diệt chuột”. Đến nỗi một quốc vụ khanh cùng hàng chục quan chức các nước phương Tây cũng tìm về quê ông xem diệt chuột…
Nhà… “chuột học”!
“Năm 1999, thôn chúng tôi bắt đầu trồng giống lúa siêu nguyên chủng. Mua 1kg thóc giống loại này mất 9.000 đồng. Giống vừa gieo, chuột đã tràn về từng đàn phá hoại. Một năm chuột phá mất 10% diện tích hoa màu của thôn”… Ông Thiều bắt đầu câu chuyện bằng hồi ức đơn giản của một nông dân.
Là đội phó sản xuất của thôn Bình Vọng ( xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây), ông lo ngay ngáy khi các biện pháp đặt bẫy, đánh bả, đào hang, nuôi mèo… không ngăn nổi chuột. Ông bỏ ra một tuần mai phục, theo dõi qui luật hoạt động, tập tính của các “ông tí”. Ngày đêm ông ở hẳn trên đồng ruộng để quan sát, nghe ngóng hành tung của lũ chuột không khác gì những lần ông nằm chờ trước giờ nổ súng trên chiến trường ngày xưa.
Từ năm 2000 đến nay, ông đã lập được 2.412 tổ chuyên ở các tỉnh thành: Thanh Hóa, Hà Tây, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và các trại giống, xí nghiệp, bệnh viện, doanh trại… Số chuột bị “khai tử” lên đến 998.706 con, tương đương trên 100 tấn (cộng từ số lượng mỗi lần diệt theo hợp đồng). Cùng với số tiền bán khoảng 10.000 chiếc bẫy hằng tháng, mỗi năm ông thu được 140 triệu đồng. Trừ chi phí, tiền công cho 2.412 tổ chuyên, hằng năm ông thu được 30-40 triệu đồng từ chuột. |
Theo dõi loài chuột, ông nhận thấy chúng bắt đầu hoạt động từ chập tối và đi kiếm ăn mạnh nhất vào 3 giờ đêm trở về sáng. Chúng đi kiếm ăn và trở về đều cùng theo một đường… Nắm được qui luật, ông ra công cải tiến chiếc bẫy. “Loại bẫy cũ thường đặt cạnh đường đi, chuột kéo mồi mới sập, nhưng sau khi cải tiến, chỉ cần chân hay đuôi của nó chạm vào miếng đối trọng là bẫy sập ngay lập tức” – ông giải thích.
Chỉ trong một thời gian ngắn thử nghiệm, ông đã có đáp án: hơn 90% chuột trong khu vực ông đặt bẫy bị diệt, diện tích hoa màu bị chuột cắn phá từ 10% rút xuống còn 0,5%… Bà con hoan nghênh “bẫy của ông Thiều”. Nhiều người đến đặt hàng: “Ruộng ngô của tôi vẫn bị chuột gặm bông…”.
Ông lại mai phục trên ruộng ngô, xem dấu chân, rình rập mấy đêm ông phát hiện bọn chuột nhắt vẫn có thể không dính bẫy vì cánh bẫy còn lớn, miếng đối trọng nhỏ, thường bị văng ra khi bẫy sập. Ông bèn thu nhỏ vành bẫy, đổi lõi chuối bằng miếng mút cao su có mỗi cạnh 5cm, thế là con nào chạm vào dính ngay con ấy.
Chưa dừng lại với những “thắng lợi vẻ vang” ấy, ông đi khắp nơi, hễ ai có tài liệu về chuột là ông mượn về đọc. Để kiểm chứng thời gian sinh trưởng, ông đào cả hang chuột bắt được 14 con chuột cái, một chuột đực đem về nhốt chung. 19 ngày sau cả bọn chuột cái đều chửa đẻ, vậy là ông biết thời gian xuất hiện lứa chuột mới. Bắt 16 con chuột đực cắt đuôi, cột vòng thép vào chân đánh dấu rồi thả chúng cách xa nơi bị bắt 7km, vụ sau, sáu con chuột đuôi cụt, chân đeo vòng trở về chốn cũ và chui vào bẫy, ông lại biết thêm tầm hoạt động của bọn chuột.
Ông Trần Quang Thiều và các thành viên sau những lần thu bẫy |
6 cách đánh, 8 cách phát hiện
Với loại bẫy bán nguyệt dùng mồi, người đặt giỏi nhất chỉ đạt 40 cái/đêm nhưng dùng loại “bẫy ông Thiều” có đêm đặt được 100 cái với hiệu suất diệt chuột từ 70 đến hơn 100%. Giải thích điều này, ông cho biết: “Bẫy không dùng mồi nên đỡ mất thời gian. Chỉ cần gạt một lỗ nhỏ hoặc đặt dốc bẫy cho miếng đối trọng luôn nằm cao hơn mặt đất vài phân là được. Bẫy dùng mồi, sau khi chuột dính phải rửa bẫy, còn bẫy mới chỉ cần bôi lên một tí bùn ở miếng đối trọng là cả năm không cần rửa. Đặt chập tối, nửa đêm gỡ chuột rồi đặt lại sáng mai gỡ tiếp”.
Bôi bùn vào miếng đối trọng có thể xem là bí quyết vì ông phát hiện họ nhà chuột có thói quen sục sạo ở những thửa ruộng mới cày. Từ 100m nó đã đánh hơi thấy mùi tanh của bùn là chạy tới thò mũi vào ngửi…
Năm 2002, sau khi nghe ông trình bày phương pháp diệt chuột tại hội nghị do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức, ngài quốc vụ khanh của Vương quốc Đan Mạch cùng quan chức của 12 nước thấy lạ bèn đánh xe về thẳng làng ông chỉ để xem “show bẫy chuột ”. Chứng kiến màn trình diễn “đánh chuột” không mồi, không bả, không hóa chất của ông, ngài quốc vụ khanh chỉ thốt lên: “Ông đúng là một nông dân có việc làm kỳ lạ!”. |
Từ chỗ bỏ đồng vì nạn chuột hoành hành, nông dân quê ông lại mạnh dạn trồng giống lúa mới và ngô vụ đông. Còn ông Thiều trở thành người nổi tiếng, được mời đi báo cáo thành tích, phổ biến cách diệt chuột và ký hợp đồng đặt bẫy ở huyện bên. Các tỉnh nghe tiếng ông cũng đánh xe sang rước ông về…
Sau mỗi lần đánh chuột, ông phổ biến luôn phương pháp cho người dân địa phương. Ai làm tốt, ông nhận vào lập thành đội từ 5-15 người rồi trả công cho họ mỗi lần đánh 30.000 đồng kèm theo 10.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.
Kinh nghiệm trong những lần đi đánh chuột đều được ông đúc kết, ghi chép trong quyển sổ cả trăm trang và làm thành bài giảng của “giáo trình diệt chuột” cho nông dân. Gói gọn trong “giáo trình” là sáu cách đánh và tám cách phát hiện chuột. Sáu cách đánh như trong binh pháp quân sự, có cả hải – lục – không quân như đánh trên đồi núi, trên rừng, trên dây, trên cây, trên mặt nước… Tám cách phát hiện y như bài bản huấn luyện trinh sát: phát hiện theo lối mòn, cửa hang, vết trượt, dấu chân, vết phân mới…
Ông Thiều vẫn giữ chất mộc mạc của nông dân, nhưng cách làm của ông đã như một doanh nghiệp làm ăn phát đạt. Ông thật thà cho biết hiện nay ông đang có trong tay 13 hợp đồng diệt chuột dài hạn cho các HTX ở đồng bằng sông Hồng, chưa kể những hợp đồng đi “đánh chuột” biểu diễn theo lời mời của các đơn vị khác.
Con ông cũng nối nghiệp cha: người con trai thứ năm của ông là Trần Quang Thụ đang bận rộn với hợp đồng “đánh chuột” cho Nhà máy Sữa Hà Nội từ tháng 7-2004 với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Với các hợp đồng dài hạn, ông lấy công 5kg thóc/sào/vụ. Khi ký hợp đồng các gia đình trong HTX cứ đo diện tích ruộng nhà mình, nếu chuột cắn phá 5% diện tích ruộng hay 5% số lượng bông lúa/m2 ông sẽ đền bù lại cũng bằng lượng thóc 5kg/sào/vụ. Cứ thế, ông rong ruổi quanh năm diệt chuột, phổ biến kinh nghiệm khắp nơi. Với ông Thiều, “đâu có chuột là ông cứ đi!”…