“Công ty” diệt chuột

Chỉ cần những cái bẫy bán nguyệt trong tay, ông Thiều đi đến đâu là “đội quân tý” bị tiêu diệt đến đó. Rất nhiều công ty, hợp tác xã đã ký hợp đồng với ông để diệt chuột. Nhờ có ông mà nông dân ở nhiều nơi khỏi lo chuột phá hoại.

 

Ông vừa hoàn thành cuốn “giáo trình” diệt chuột dày hơn trăm trang. Hiện ông là “giảng viên không chuyên”, được nhiều huyện, xã mời đến truyền đạt cách diệt chuột cho bà con. Ông đang xúc tiến thành lập công ty diệt chuột Trần Quang Thiều.
 
 

“Vua diệt chuột”

Nghe đến danh hiệu này, lão nông Thiều cười giản dị: “Tôi là vua mà không sắc phục, không mũ áo. Tôi chỉ là vua bụi, vua bờ vì chỉ ở đó, tôi mới bắt được chuột…”.
Năm 1994, ông Thiều được bầu làm Đội trưởng đội sản xuất 9, xã Văn Bình (Thường Tín – Hà Tây). Ngày đó, ông được giao nhiệm vụ trồng lúa giống rồi bán lại cho dân.

Thóc giống vốn đắt đỏ, vậy mà cứ mỗi lần gieo mạ là lũ chuột thi nhau phá. Không dừng lại ở đó từ lúc cấy cho đến lúc gặt, chúng cũng tiếp tục phá tan nát nhiều ô ruộng. Nhiều gia đình hàng vụ phải bỏ ra hàng triệu để mua ny lon chống chuột (trung bình mỗi sào ruộng tiêu tốn 30.000 đồng).

Ông Thiều đưa ra một phép tính đơn giản ngay tại xã Văn Bình, mỗi năm chuột phá hoại từ 20% đến 30% diện tích lúa (tương đương với 350 tấn thóc). Đấy còn chưa kể đến hậu quả vô hình là người nông dân sợ chuột phá hoại, nên cấy không đúng thời vụ dẫn đến năng suất lúa giảm.

Thấy bà con đã dùng cả thuốc tây, thuốc tàu… để đánh, mà chuột vẫn không giảm, ông Thiều ra chợ mua bẫy bán nguyệt về cải tiến. Đặc điểm của công cụ này là dùng mồi nhử đặt chính giữa và chuột phải tha đi thì bẫy mới sập. Ông đã thay mồi bằng quả đối trọng làm bằng miếng phao để tăng thêm bề mặt tiếp xúc và dễ đánh lừa chuột.

Sự thay đổi này có một số tiện lợi: Không phải dùng mồi, chỉ cần chuột chạm vào quả đối trọng là bẫy sập; 2 lò xo có thêm nhiều vòng xoáy tăng thêm độ nhạy.

Thử nghiệm ở nhà thành công, ông Thiều mang ra ứng dụng đại trà ở thôn và đạt kết quả ngoài mong đợi. Sau một tháng đặt bẫy, chuột trên đồng giảm hẳn, hiện tượng lúa bị cắn không còn tái diễn và số chuột bị “tiêu diệt” mỗi ngày khoảng 700 con.

Ông đã đi nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tây… để truyền đạt kinh nghiệm. Ông khoe, đã hoàn thành một tập “bài giảng”, trong đó nói cách dùng bẫy, cách phát hiện chuột, thời gian sử dụng hiệu quả… và chỉ cần 2 buổi giảng kết hợp với thực hành là bà con có thể tự sử dụng.

 

“Thương hiệu” Trần Quang Thiều

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà máy đã ký hợp đồng diệt chuột với nhiều công ty lớn như Nhà máy bia Đông Nam Á, Công ty May Kyocheung, Công ty Vinamilk… Tính ra mỗi năm ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Năm ngoái ông Phạm Văn Thịnh, phó Giám đốc Trung tâm Khai thác gas Nội Bài đánh hẳn xe con về tận làng đón ông lên diệt chuột giúp. Bởi chuột là mối lo lớn của những cửa hàng bán hàng hiệu ở sân bay.

Ông Thiều đến sân bay, nhưng lần này không đơn giản như bắt chuột ở ruộng và các kho hàng. Mọi dấu vết hoạt động của chuột ở đây không giống nơi khác, chúng hoạt động không theo quy luật nào.

Hôm đầu đặt bẫy, ông không bắt được con nào. Ông thầm nghĩ “chẳng lẽ vua diệt chuột lại bị ô danh ở sân bay Nội Bài!”. Hôm sau, trước khi đặt bẫy, ông thức cả đêm để xem lũ chuột hoạt động ra sao. Quả nhiên, chúng khác với tất cả các loại chuột mà ông đã từng bắt.

Qua lần quan sát này ông đã bổ sung vào cuốn “giáo trình” của mình một loại chuột nữa là chuột leo. Ông còn đưa ra những đặc điểm nhận dạng khá thú vị: Chuột leo mõm nhọn, răng vểnh, đế đệm gầm bàn chân mỏng, móng nhọn, bàn chân rộng, lông phớt nâu, chạy nhảy như sóc, chúng thường sống ở vùng gò đồi. Chuột leo di chuyển nhanh, nhảy cao, bám giỏi, chạy thành từng đàn, không ăn mồi, không ăn thóc, bẫy lồng và bẫy dính không bắt được.

Hôm sau ông thay đổi “chiến thuật”: Đặt bẫy trên bàn, đặt nằm ngang trên ống nhựa, dựng treo, đặt trên trần, khe tường, bao vây xung quanh nhà… Lũ chuột dính bẫy hàng loạt.

Tận mắt nhìn ông Thiều bắt chuột, ông Thịnh mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó, mỗi năm ông Thiều lên sân bay làm việc 3 tháng, mỗi tháng lĩnh 5 triệu đồng. Ông Thiều còn là vị “cứu tinh” của đồng ruộng khi đã có nhiều HTX từng bỏ ruộng, vì trồng cây gì thì chuột cũng phá hoại hết.

Trong những chuyến đi diệt chuột, ông nhớ nhất là lần đi đặt bẫy ở HTX Đông Phong (Yên Phong – Bắc Ninh), có một ông già tóc bạc phơ, người đĩnh đạc, cứ đi theo ông. Chỉ sau 1 đêm ông đã diệt được vài bao tải chuột.

Trong buổi tổng kết và giảng giải kinh nghiệm diệt chuột cho bà con ở hội trường thôn, ông già đó đến bắt tay ông và nói: “Giặc giã hung ác như thế chúng tôi còn đánh thắng được. Vậy mà lũ chuột phá hoại đồng ruộng thì chúng tôi “bó tay”. Ông cũng xứng đáng là một anh hùng của nhà nông”. Hóa ra ông già đó là Thiếu tướng Hồ Bắc nổi tiếng một thời.

Để đảm bảo vụ lúa chắc ăn, các HTX đã ký hợp đồng diệt chuột với ông. Hai bên thỏa thuận, nếu chuột cắn quá 5m2/1 sào là ông phải đền bù sản lượng, ngược lại ông sẽ nhận được 5kg thóc/sào.

Hiện nay, “đội quân” diệt chuột của ông có 48 người ở Từ Sơn, 14 người ở Đông Anh và một số ít ở Văn Bình. Họ đều làm việc theo thời vụ, mỗi ngày được trả 50.000đ. Tổng số thóc mà các HTX trả cho ông một năm là trên 50 tấn, trừ chi phí trả công đi, ông vẫn thu về 30 tấn.

Đội quân diệt chuột của ông Thiều đi đến đâu là “giặc chuột” bị tiêu diệt ở đó

 

Công ty diệt chuột xuyên quốc gia

Từ một gia đình thuần nông nghèo khó, giờ đây ông Thiều đã xây được nhà tầng với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Ông bảo: “Tất cả những thứ đó nhờ tài diệt chuột mà ra”.
Vui hơn cả là ông đi đến đâu cũng được bà con tin yêu ông như một vị “giáo sư” của đồng ruộng, vì ông luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn bà con cách đặt bẫy, cách phát hiện chuột…

Trong cuốn “giáo trình” diệt chuột, ông ghi chép tỷ mỷ 15 cách phát hiện chuột và 12 cách đặt bẫy. Đó là công trình khiến cả đời ông tâm huyết. Giờ đây mỗi tháng ông thu trên chục triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho trên trăm lao động.

Ông đang xúc tiến việc thành lập Công ty diệt chuột Trần Quang Thiều. “Thành lập Công ty thì lấy việc đâu mà làm?”, tôi hỏi. Ông Thiều cười lớn: “Tôi chỉ sợ làm không hết việc. Chuột ngày càng phát triển mạnh, trong khi thiên địch của chuột như rắn, cú mèo… ngày một bị tiêu diệt. Lũ chuột cứ mặc sức sinh sôi nảy nở. Cứ 21 ngày chuột đẻ một lứa. Mỗi lứa từ 6-10 con. Một chuột con sau 40 ngày lại tiếp tục đẻ. Một đôi chuột và cháu chắt của chúng trong một năm “sản xuất” khoảng 2.048 con chuột con, cháu, chút, chít…”.

Nếu cứ để lũ chuột sinh sôi tự do như thế, chúng không chỉ phá hoại mùa màng mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân thành thị, đặc biệt là trong các bệnh viện, nhà máy may, khu chế biến thực phẩm…

Nghe tiếng ông, ngài Quốc vụ khanh Đan Mạch đã về tận làng Bình Vọng xem ông bắt chuột và có ý định mời ông Thiều ra nước ngoài diệt chuột giúp. Cứ cái đà này, “Công ty” diệt chuột Trần Quang Thiều có cơ hội phát triển rộng hơn, thu thêm nhiều ngoại tệ cho đất nước!