Cứ nhập nhoạng tối, ông Thiều ra ruộng mạ, phủ bùn lên người và nằm phục. Gần chục đêm như vậy ông đã nắm vững quy luật đi lại của “kẻ thù”. Thì ra lũ chuột chỉ xuất hiện vào lúc 21h và đến khoảng nửa đêm thì chúng rút. Và, đến 3h sáng chúng lại ùn ùn xuất hiện và khi trời lờ mờ sáng chúng lại mất tăm.
Đầu tháng 5, doanh nghiệp ấy chính thức được thành lập. Cũng hóa đơn đỏ, tài khoản, con dấu riêng nhưng doanh nghiệp đó lại chuyên về một lĩnh vực hết sức lạ lùng: Diệt chuột! Với tổng giá trị hợp đồng hiện có là trên 100 mẫu ruộng ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, mỗi năm, doanh nghiệp ấy thu lãi cố định trên 50 tấn thóc, đảm bảo thu nhập ổn định cho 20 nhân công với mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Điều đặc biệt, giám đốc của doanh nghiệp lạ kỳ đang làm ăn tấn tới ấy lại chính là một Công an viên mẫu mực. Ông là Trần Quang Thiều, ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Tây), người được bà con nông dân phong là “vua diệt chuột” bấy nay…
“Sát thủ” ra tay
Mọi người nói đùa rằng, ông có số… ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Giờ, dù bận tíu tít suốt ngày bởi những hợp đồng… diệt chuột nhưng ông vẫn khoác lên mình rất nhiều “chức tước”. Nào Phó trưởng thôn, Đội trưởng Đội sản xuất, đầu năm 2006 lại nhận thêm “chức” Công an viên.
Năm 1999, khi mới ra mắt bà con chức Đội trưởng Đội sản xuất, thôn ông được xã giao nhiệm vụ gây giống lúa siêu nguyên chủng để bán lại cho những HTX lân cận. Tưởng được “món lời” khá thế nhưng bao hăng hái của ông và bà con trong thôn có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển bởi chuột đồng phá hoại. Huy động tất thảy các xã viên dùng đủ mọi biện pháp đánh bắt nhưng đều vô hiệu.
Thủa đi bộ đội, làm lính trinh sát nên trước hiểm họa ấy, ông quyết định áp dụng nghiệp vụ đặc công của mình: Tìm kẽ hở của “quân thù” để diệt. Vậy là, cứ nhập nhoạng tối, ông ra ruộng mạ, phủ bùn lên người và nằm phục. Gần chục đêm như vậy ông đã nắm vững quy luật đi lại của “kẻ thù”. Thì ra lũ chuột đáng ghét ấy chỉ xuất hiện vào lúc 21h và đến khoảng nửa đêm thì chúng rút. Và, đến 3h sáng chúng lại ùn ùn xuất hiện và khi trời lờ mờ sáng chúng lại mất tăm. Một điều đặc biệt nữa, những đợt “xuất quân” ấy không phải chúng đi kiếm mồi mà đi… mài răng hoặc đi tìm… chuột cái.
Chính thế, chúng phớt lờ những miếng mồi thơm phức mà ông cùng mọi người đã gắn trên bẫy và gặp bất kể vật gì là ra sức cắn xé. Nắm được quy luật hoạt động của… “kẻ thù”, mất vài ngày nghiên cứu, ông đã cải tiến chiếc bẫy bán nguyệt vẫn bán trên thị trường thành một… vũ khí lợi hại. Thay bằng việc gắn mồi, ông đã gài vào đó miếng xốp nhẹ và chỉ khẽ chạm vào miếng xốp đó thì dù nhanh mấy chuột cũng… toi đời. Và, đêm đầu ra quân, hơn 300 con chuột đã phải… lãnh án tử hình.
“Chuyên gia… diệt chuột” và doanh nghiệp lạ kỳ
Nhờ “chiến công” đánh tan “giặc chuột” trên cánh đồng thôn mình, năm 2000, ông đã được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tây cử tham gia lớp tập huấn về quản lý tổng hợp dịch hại lúa trên đồng ruộng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Chương trình Quản lý dịch hại lúa tổng hợp liên quốc gia vùng Nam và Đông Nam Á tổ chức. Lớp học ấy chỉ chuyên về diệt chuột, kẻ thù của nhà nông và sau 3 tháng học, ông thành chuyên gia.
Với những kiến thức đã học, cùng với những phát kiến của riêng mình, ông mở “chiến dịch” truy quét chuột trên khắp các cánh đồng của huyện nhà. Thấy việc làm của ông hiệu quả, những HTX trong huyện, trong tỉnh rồi cả các tỉnh ngoài đã mời ông đến để phổ biến kiến thức về chuột và cách thức tiêu diệt chúng. Và, để thuận lợi hơn cho việc sản xuất, những HTX ấy đã thuê luôn ông làm chuyên gia đảm trách việc trừ khử đội quân gặm nhấm khi mùa vụ đến.
Những hợp đồng thắng lợi ấy đã khiến danh tiếng của ông nổi như cồn. Hiện tại, ông đang có hợp đồng diệt chuột dài hạn (mỗi tháng 2 triệu đồng) với Nhà máy Bia Đông Nam Á, Nhà máy Sữa Vinamilk, Nhà máy May Hàn Quốc. Ngoài ra, rất nhiều khách sạn, nhà hàng, trại giống, nhà kho… đến mùa chuột tung hoành phá phách cũng đều nhờ cậy đến ông. Ông bảo, ông hứng thú và thấy mình thực sự có ích khi hợp tác với nhà nông.
Địa phương nào muốn ký hợp đồng thì ngay đêm đầu tiên, với những chiếc bẫy cải tiến của mình, ông đánh một mẻ… chào hàng. Sáng hôm sau, triệu tập “bên B” đến tận mắt chứng kiến “chiến lợi phẩm” thu được, hai bên mới ký những giao kèo cần thiết. Mỗi hợp đồng, ông thu 5 kg/ sào lúa và sẽ chịu bồi thường 200 kg thóc nếu sào lúa đó bị chuột phá với diện tích là 5m2.
Hợp đồng diệt chuột mỗi lúc một ngút đầu, không làm xuể, cuối 2001, ông phải tuyển thêm người trợ giúp. Và, từ đầu tháng 5, khi Doanh nghiệp Diệt chuột Trần Quang Thiều được thành lập, ông đã ký hợp đồng lao động dài hạn với 20 nhân công ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi tháng, một nhân công của ông được hưởng 1,2 triệu đồng. Ông bảo, sắp tới, ông sẽ tổ chức cho nhân viên của mình… đi nghỉ mát vài ngày để công việc thêm phần hứng khởi.
Nghề mới Công an viên và cuốn “Binh pháp diệt chuột” hơn 1.000 trang giấy
Mỗi đêm “ra quân” diệt chuột, ông và các nhân viên của mình đều ghi chép tỉ mỉ kết quả thu được. Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp của ông đã tiêu diệt trên 2 triệu con chuột. Và, ngần ấy năm lăn lộn với… chuột, muốn truyền đạt lại những kiến thức mà mình biết về loài gặm nhấm có hại ấy cho tất thảy mọi người, cuối năm 2003, ông quyết định… viết sách.
Giờ, nội dung cuốn sách “Binh pháp diệt chuột” cũng đã sắp hoàn thành. Năm cuốn sổ, hơn 1.000 trang giấy đã kín mít. Ông bảo, có cuốn sách ấy trong tay thì bất cứ loại chuột ranh mãnh nào, chui rúc phá hoại ở đâu thì cũng đều có cách để triệt hạ. Tới đây, ông sẽ tặng những cuốn “bí kíp” ấy cho Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tây để họ in thành sách, chuyển giao cho nông dân bảo vệ mùa màng.
Đầu năm 2006, ông nhận thêm “chức” Công an viên. Nhận nhiệm vụ, ông đã tham mưu cùng chính quyền xã, huyện từng bước đẩy lùi những tệ nạn ấy. Ông vẫn đùa bảo, đánh… tệ nạn xã hội cũng giống như… đánh chuột bởi cả hai đều cần những người vừa có lương tâm, trách nhiệm, lại vừa cao kiến dám nghĩ, dám làm