Thứ Năm, ngày 21/01/2010, 11:00
(24h) – Cũng với những sáng tạo trên, ông Trần Quang Thiều (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) nhận giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hôm qua.
Cải tiến bẫy chuột hình bán nguyệt để có thể bắt đến 2.000 con chuột trong một đêm; ký hợp đồng diệt chuột với nhiều doanh nghiệp; viết “giáo trình diệt chuột” để phổ biến cho người dân… Với những việc làm này, ông Trần Quang Thiều được nhiều người nông dân trìu mến gọi là “vua diệt chuột”.
Cũng với những sáng tạo trên, ông Trần Quang Thiều (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) nhận giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hôm qua.
Chuột nào cũng… bắt
Ông Thiều kể, cách đây hơn 10 năm, ông được cử làm Đội trưởng Đội sản xuất của thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội). Năm ấy, đội sản xuất được xã giao trồng giống lúa siêu nguyên chủng để làm giống. Nhưng, ngay từ khi gieo mạ, chuột kéo đến “bủa vây” làm hỏng đến 30% thửa ruộng. Anh em trong đội sản xuất hiến nhiều kế diệt chuột: đánh bả, đặt bẫy dính, đào hang… mà kết quả thu được chẳng là bao.
Lo ngại không hoàn thành nhiệm vụ, ông Thiều đã phải lọ mọ ra đồng “rình” chuột nhiều đêm. Qua theo dõi, ông nắm bắt được thói quen, quy luật của chuột là: thường đi kiếm ăn từ chập tối đến 21h và từ 3h tới sáng. Đặc biệt, chúng đi kiếm ăn và trở về cùng một con đường…
Sau đó, ông dốc tiền mua bẫy bán nguyệt đặt trên đường đi của lũ chuột. Nhờ đó, ruộng mạ giống của đội sản xuất đã bớt bị cắn phá hơn. Nhưng ông cũng sớm phát hiện những chiếc bẫy bán nguyệt mua trên thị trường có nhiều nhược điểm. Đó là khi căng ra, bẫy có hình tròn khiến những con chuột nhỏ sẽ lọt qua bẫy. Thêm vào đó, lò xo yếu, bẫy lại dùng mồi nên chuột phải kéo mồi thì bẫy mới sập.
Cách đặt bẫy bán nguyệt trên đồng ruộng.
Cũng may mắn là lúc đó, ông được xã cử đi học một lớp về quản lý sản xuất nông nghiệp. Nhờ kiến thức học được, ông hiểu ra việc lũ chuột cắn hoa màu chỉ là để mài răng, bảo đảm sự sống chứ không phải mục đích kiếm ăn.
Từ đó, ông nghĩ cách “chế” lại bẫy bán nguyệt. Ngoài việc làm lại lò xo cứng hơn, ông làm bẫy thành hình bầu dục để đỡ lọt chuột nhỏ. “Lũ chuột không thèm mồi nên tôi thay bằng một miếng nhựa hoặc miếng xốp to hơn bao diêm. Khi đặt bẫy, tôi đào một hố nhỏ làm sao tạo độ bập bênh với miếng mồi đối trọng. Chuột to, nhỏ chỉ cần va vào miếng đối trọng, tạo ra độ lún là dính bẫy ngay”, ông Thiều kể.
Viết giáo trình dạy nông dân
“Mê” diệt chuột, ông Thiều còn bỏ công nghiên cứu cách diệt chuột dưới nước, trên cây, trên dây… Chẳng hạn với bẫy chuột dưới nước, chỉ cần ghim chặt bẫy vào mảnh gỗ, cắm cọc giữ bẫy ngang bằng với mặt nước. Khi chuột bơi qua sẽ mắc bẫy. Còn bẫy trên cây sẽ dùng đinh để cố định nằm ngang đường đi. Khi chuột chạy qua sẽ “dính” bẫy.
Ông Thiều hiện là chủ cơ sở diệt chuột có uy tín với nhiều doanh nghiệp lớn.
Tiếng lành đồn xa, ông Thiều được nhiều người ở xã Văn Phú (huyện Thường Tín) mời đi diệt chuột. Có lần, chỉ trong một đêm, với 800 chiếc bẫy, ông đã bắt được gần 2.000 con chuột. Dần dà, nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa… cũng mời ông đi diệt chuột hoặc tập huấn cho nông dân cách đặt bẫy.
Thấy có thể vừa “kiếm được tiền”, vừa giúp dân tránh nạn chuột, ông Phạm Quang Thiều mạnh dạn thành lập cơ sở diệt chuột. Từ đó, ông được nhiều công ty ký hợp đồng “diệt chuột”. Hiện, cơ sở diệt chuột của ông Trần Quang Thiều có các đối tác là các nhà máy bia Đông Nam Á, Việt Hà, Sài Gòn; một số nhà máy may; Công ty Vinamilk; Công ty Ford ở Cẩm Giàng (Hải Dương).
Bao nhiêu kinh nghiệm diệt chuột, ông đúc kết viết thành cuốn sách: “Giáo trình diệt chuột”. Trong đó, hướng dẫn 12 cách đặt bẫy, 15 cách phát hiện đường đi của chuột ở ngoài đồng ruộng và trong thành thị. Tới đây, giáo trình sẽ được ông in thành sách để có thể phổi biến rộng đến người dân.
Theo ông Thiều, để diệt chuột đạt kết quả, quan trọng nhất là phải phát hiện được đường đi của chuột, rồi tính toán đặt bẫy hợp lý. Thông thường phải đặt bẫy vuông góc so với vết chuột chạy, bảo đảm khi đi và về của chuột đều phải… dính bẫy. Còn đánh chuột “nhảy” thì phải đặt hai bẫy liền nhau. Nếu chuột nhảy qua một cái thì sẽ rơi vào bẫy còn lại…