Kể từ khi Trung tâm Khai thác ga hàng không Nội Bài (Hà Nội) chuyển về “nhà mới” năm 2001, chuột chính là vấn đề lớn nhất mà nhà ga phải đối mặt.
Đặt bẫy diệt chuột trên băng chuyền. |
Đau đầu vì chuột
Phá phách, cắn xé các đường dây, làm chập cháy các loại thiết bị điện tử, các hệ thống bảo vệ ở sân ga là chuyện “thường ngày ở huyện” mà lũ chuột gây ra. Đây cũng là điều làm đau đầu lãnh đạo Trung tâm Khai thác ga. Bởi rõ ràng, những thiệt hại là vô cùng to lớn.
Cứ thử tưởng tượng, các loại dây dợ, thiết bị điện tử mà bị chuột cắn gây chập cháy không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản, về vật chất, mà nguy hiểm hơn còn làm ảnh hưởng tới việc vận hành của ga, thậm chí là sự an nguy của mỗi chuyến bay. Ông Phạm Văn Thịnh – Phó GĐ Trung tâm cảnh báo: “Nếu không cảnh giác, bọn chuột nó còn chui cả vào trong máy bay. Lúc đó thì chẳng khác gì máy bay có không tặc”.
Trước những mối nguy hại này, ban lãnh đạo Trung tâm Khai thác ga hạ quyết tâm “diệt chuột”. Nhiệm vụ đặc trách “săn chuột” được giao cho cho Đội môi trường số 1 do anh Nguyễn An Sơn làm đội trưởng. Với quân số 51 người, ngoài việc dọn dẹp, làm sạch nội thất trong khu trung tâm ga, đội cũng phải cắt cử riêng tổ “săn chuột”, gồm toàn đàn ông.
Thợ săn
Đầu tiên, khoảng 300 chiếc bẫy lồng được giăng ra ở khắp nơi trong khu vực sân ga: Cầu thang, sàn nhà, bếp ăn, đường đi, tầng hầm… Thế nhưng, lúc chiều đặt bẫy hy vọng bao nhiêu thì sớm hôm sau lúc dọn bẫy lại thất vọng bấy nhiêu. Cả 300 chiếc mỗi lần chỉ bắt được 4 – 5 con, có hôm trắng tay.
Nghĩ rằng mồi nhử chưa hấp dẫn, anh em thay mồi mới, đổi vị trí đặt bẫy, tẩy trùng bẫy… Thế nhưng, kết quả vẫn chẳng khá hơn. Số chuột dính bẫy ngày càng ít đi.
Đến đầu năm 2005, một tia hy vọng loé lên. Đó là khi đọc trên báo thấy người ta nói về ông “vua diệt chuột” Trần Quang Thiều, anh Sơn đã lặn lội tìm về tận quê của ông Thiều ở Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây. Nhưng cũng phải mất vài lần mới gặp được vì “vua” còn bận đi diệt chuột theo đơn đặt hàng của rất nhiều đơn vị lớn, trong đó có không ít các Cty, nhà máy…
Sau khi nghe anh Sơn trình bày, “vua diệt chuột” tuyên bố thẳng: “Tôi sẽ đi cùng anh, nhưng không phải vì tiền mà để chứng minh rằng tôi có thể diệt bất kỳ loại chuột nào, kể cả là chuột sân bay”. Đó là vào tháng 5.2005.
Bẫy chuột được đặt nhiều nơi trong Sân bay Nội Bài. |
Tới sân bay, ông Thiều dành hẳn 3 ngày đầu chỉ để lăn lê ở các gầm cầu thang, hành lang, nhà bếp để nghiên cứu thói quen, đường đi lối về qua dấu chân lũ chuột. Rồi ông cho giăng 300 chiếc bẫy, loại bán nguyệt do ông tự chế tạo. Ông áp dụng chiến thuật “bao vây”, nghĩa là đặt bẫy quây từng khu vực: Từ tầng hầm lên tới tầng 4, điểm xạ trên trần, ống nước, nhà ăn, nhà vệ sinh, khu cách ly, băng chuyền, quanh khu vực máy bay đỗ… Thế nhưng, 2 ngày đầu, kết quả thu về gần như con số không.
Nghiên cứu kỹ, ông nhận ra đúng là ở sân bay còn có một loại chuột mà hàng chục năm đi săn chuột, ông chưa từng gặp, nhưng vì thấy chúng leo trèo giỏi nên ông tạm gọi là “chuột leo”. Về hình thức, loại chuột này mõm nhọn, tai vểnh, răng nhọn, mình thon, đuôi dài, gầm bàn chân mỏng. Chúng cực kỳ tinh quái và ít khi bị hấp dẫn bởi mồi nhử. Ông Thiều đã viết như thế này trong bản báo cáo của mình: “… một loại chuột di chuyển nhanh, nhảy cao, bám giỏi, bẫy không ăn mồi, không ăn thóc, bẫy lồng không bắt được, bẫy dính nhảy qua…”.
Sau thất bại lúc đầu, ông Thiều quyết định thay đổi chiến thuật. Lần này, ông chuyển sang áp dụng kiểu đặt bẫy liên hoàn, áp dụng cùng lúc 4 phương pháp: Đặt bẫy nằm ngang trên ống nhựa, đặt bẫy dựng treo, đặt trên trần, khe tường, bao vây xung quanh nhà ăn, chặn đường lên xuống… Nói tóm lại, thế trận ông giăng như thiên la địa võng ở khắp các ngả đường bọn chuột có thể qua. Và ngay lập tức có kết quả.
Ngày đầu: 18 con chuột leo sập bẫy. Ngày thứ hai: 19 con sập bẫy. Ngày thứ ba: 29 con… Những ngày tiếp theo, số chuột leo sập bẫy ngày càng nhiều. Tổng số sau 7 ngày giăng bẫy, ông đã bắt được 132 con các loại. Kết thúc hợp đồng, ông Thiều nhận được 5 triệu đồng cho thành quả mình bỏ ra trong cả chục ngày trời.
Trước lúc trở về, ông bàn giao lại cho đội “săn chuột” của sân ga số bẫy bán nguyệt của mình và hướng dẫn họ tỉ mỉ cách đặt bẫy, cách phát hiện dấu vết, đường đi của chuột… Giờ đây, vấn đề bức xúc chuột ở sân ga đã được khắc chế về cơ bản.