Alô! Thiều “chuột” đây!

Ông Trần Quang Thiều ở thôn Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây) dù học chưa hết lớp 7 trường làng, suốt một thời gian dài đã tự mày mò sáng chế ra chiếc bẫy siêu việt để diệt loài chuột gây hại. Từ sản phẩm lạ đó, hôm nay ông đã trở thành giám đốc một công ty – Công ty diệt chuột Quang Thiều. 

Nhờ cái bẫy, ông Thiều đã “khai sinh” ra nghề mới: nghề diệt chuột. Nói có sách, mách có chứng, ông lọ mọ lôi ra một đống giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền: “Này, giấy tờ chính gốc, dấu đỏ chót, mã số thuế đây! Ngành nghề kinh doanh ghi rõ là bắt chuột thì có được gọi là doanh nghiệp diệt chuột không? Tớ làm giám đốc, oách chưa? Công ty đã ký hợp đồng diệt chuột lớn cả ngoài Bắc trong Nam, đảm bảo diệt sạch loài “giặc” ở mọi kho bãi, bến cảng!” – Ông khoe.

Kẻ thù của loài chuột

Là một nông dân chính hiệu, khi phải chứng kiến cái loài gặm nhấm phá tan hoang những thửa ruộng, vạt khoai vừa hôm qua vẫn còn xanh mơn mởn, ông Thiều rất đau lòng. Cứ bị loài chuột “hớt tay trên”, bực mình, ông nghĩ đủ mọi cách nhằm tiêu diệt chúng.

Ông mua biết bao nhiêu bẫy, đủ bẫy lồng, bẫy dây, bẫy kẹp về giăng khắp nhà, khắp ruộng, nơi chuột thường phá phách, nhưng bẫy nào cũng đều thua lũ chuột tinh ma, ranh mãnh. Chúng vẫn cứ nhởn nhơ cấu chí, cắn xé nhau trước mặt khiến ông càng bực tức. Nhiều hôm đặt bẫy, ông còn “khuyến mãi” thêm cả miếng mồi thơm phức, nhưng bẫy thì chẳng sập, mà chuột còn khều được mồi ra đánh chén, xong, ị vài bãi phân bên cạnh bẫy. Bực lắm, có hôm ông còn dùng dây điện để bẫy dù biết nguy hiểm, thế mà lũ chuột dường như đoán được ý định của ông, chỉ có một hai con dính bẫy.

Đầu năm 2000, bà con tín nhiệm bầu ông Thiều làm trưởng thôn. Việc đầu tiên là ông huy động cấy giống lúa thuần chủng. Lúa tốt bời bời, ông nghĩ phen này uy tín của ông sẽ lên như diều gặp gió. Nhưng khi hạt thóc đang vào độ chín, một buổi sáng dậy khi đi thăm đồng, ông giật mình khi thấy những cây lúa bị đổ ngổn ngang, tơi tả vì chuột. Thế là cả tháng trời, ông như người dở hơi, lúc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, tìm hiểu tập tính của loài gặm nhấm này để nghĩ cách diệt chúng.

Qua theo dõi, ông mới té ngửa rằng từ trước tới nay, mọi người cứ xem nhẹ lũ chuột, trong khi chúng hoạt động rất bài bản, có “lộ trình” hẳn hoi: chỉ hoạt động từ 9 giờ đêm, kéo về nhà lúc nửa đêm và gần sáng mới hoạt động trở lại để tích trữ lương thực.

 



Chuột diệt được ở Sân bay Nội Bài, Hà Nội

“Tớ làm giám đốc, oách”!

Ông tiếp tục quan sát từng li từng tí, bất kể chuột lớn hay chuột bé, bất kể loài chuột nào. Có hôm, nửa đêm nằm mai phục, buồn ngủ đến rũ mắt, bất chợt ông thấy một đôi vợ chồng loài tí xuất hiện, ung dung đi vào bẫy ăn mồi, bẫy sập. Phen này thì chết cả đôi là chắc! Vậy mà chỉ ít giây sau, đôi vợ chồng chuột ung dung tha mồi bước ra, gương mắt nhìn, khiến ông tức nghẹn cổ. Những phát hiện như thế ông không bỏ qua một chi tiết nào, cho dù là rất nhỏ. Ông hì hục ghi chép và sau mấy năm, “tài liệu” đã dày tới 1.000 trang!

Sau khi nắm rõ mọi “đường đi nước chạy” của loài chuột, ông bắt đầu tìm vũ khí để tiêu diệt chúng. Trước tiên, ông lấy cái bẫy truyền thống nghiên cứu và đúc kết được năm nhược điểm là tốn mồi; vành rộng hay chệch khớp; móc mồi ngắn không tạo được độ vướng tối đa khi chuột chạy qua; móc mồi không nhạy nên chuột sang phải, trái hay kéo về phía sau đều không sập bẫy và bẫy mồi cài rộng quá nên khi sập xuống, chuột nhỏ sẽ nằm trong bẫy và… chạy thoát.

Suốt ngày tới đêm, ông cứ miên man suy nghĩ, tìm cách gỡ dần từng khâu một. Ông dùng một quả đối trọng bằng cao su, móc cài mồi có thêm hai râu để quả đối trọng không bị xoay. Rồi ông bóp nhỏ hai bên bẫy, khi giương lên nó có hình bầu dục chứ không phải hình bán nguyệt nữa. Cứ thế, ông rút kinh nghiệm và sáng tạo từng bước. Để có được thứ “vũ khí” hoàn hảo như hôm nay, ông Thiều đã mất ròng rã mấy năm trời nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá.

Bây giờ, ông Thiều được gọi là “phù thủy diệt chuột”, là “kẻ thù số 1 của loài tí”. Ông nghiên cứu kỹ đến mức chỉ cần nghe tiếng kêu hoặc xem đường chuột chạy là biết ngay đó là loài chuột nào, thích ăn mồi gì, cần dùng loại “vũ khí” nào là có thể “kết liễu” được chúng. Ông đã biết rõ tám cách đi của chuột ngoài đồng, bảy cách diệt chuột trong nhà và sáu cách chuột đi trên tường.

Chiếc bẫy cải tiến ngày càng hoàn thiện thì bất cứ con chuột nào đi qua bẫy cũng đều cầm chắc cái chết. Chỉ trong mấy năm qua, ông Thiều đã cho đi đời hơn bốn triệu con chuột, riêng từ đầu năm đến nay, đã có khoảng hai triệu con lìa đời bởi chiếc bẫy hoàn hảo của ông.

Công ty lạ đời hành nghề “độc”

Từ ngày nằm lòng “binh pháp” diệt chuột và hoàn thiện chiếc bẫy chuột siêu việt, ông Thiều không chỉ được người dân trong vùng, trong tỉnh gọi là “vua diệt chuột” mà tiếng ông nổi như cồn trên khắp cả nước, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tây “phong” ông là chuyên gia diệt chuột.

 

Bẫy chuột do ông Thiều hoàn thiện

Tiếng lành lan xa, từ khắp mọi miền đất nước, nhiều đơn vị cho người tới tận nơi mời ông bớt chút thời gian đến quê họ để diệt chuột. Cứ nơi nào mời là ông lại vui vẻ đến Chi cục Bảo vệ thực vật xin giấy giới thiệu để lên đường. Chẳng nơi nào ở các tỉnh phía Bắc ông Thiều chưa có mặt. Mỗi nơi ông qua, họ hàng nhà chuột như cầm chắc “giấy báo tử”.

Có đợt, bà con ở huyện Gia Phong (Bắc Ninh) phục cách “diệt chuột” quá nên giữ ông ở lại hơi lâu, khiến vợ ông ở nhà tưởng ông có bà nữa nên í ới gọi về. Ông bảo “Tôi có thêm bà hai nữa, nhưng là chuột thôi. Diệt hết chuột ở toàn huyện này tôi mới về”. Suốt mấy tháng trời đánh chuột cho tới lúc vắng hẳn bóng chuột trên toàn huyện Gia Phong, ông mới trở về. Về nhà, vừa chân ướt chân ráo, bà con Ninh Bình lại điện thoại réo. Không đi không đành, ông lại khăn gói lên đường, mê diệt chuột hơn mê vợ.

Điện thoại gọi đến và những lời mời nhiều đến nỗi ông không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Phải có cách làm mới. Đến tháng 5/2006, ông Thiều tuyên bố lập công ty diệt chuột. Dân làng nghe tin, ai ấy cười ha hả, bởi nghĩ ông thức đêm nên bị tâm thần mất rồi. Người ta lập công ty gì chứ, ai lại đi lập công ty chuyên đi giết vài con chuột?

Bỏ qua những lời đàm tiếu, chê cười, ông vác đơn đi làm thủ tục kinh doanh. Mấy hôm sau, khi ông hớn hở mang về một con dấu, lại còn khoe cả mã số thuế nữa, bà con mới té ngửa. Cái lão nông chính hiệu, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà bây giờ đã thành giám đốc thì oách thật! Ông Thiều cười khơ khớ: “Phải có tầm nhìn xa trên 20 năm chứ!”.

Thế rồi ông lên Hà Nội tìm mua mấy quyển sách về cách quản lý và điều hành doanh nghiệp. Vừa đọc, ông vừa liên hệ với thực tế của mình, để đúc rút kinh nghiệm. Đã là nông dân thì phải làm theo kiểu nông dân, ông ký hợp đồng dài hạn với 28 người là nông dân ở khắp các tỉnh, trả công khoảng 1,2 triệu đồng/ tháng. Công nhân chỉ phải làm việc buổi tối, chỉ khi có chiến dịch thì mới vất vả, bình thường cứ nhàn tênh. Ngoài những công nhân được ký hợp đồng chính, ông còn thuê lao động khắp các tỉnh thành theo thời vụ, mỗi ngày trả 40.000 đồng. Ai làm tốt ông thưởng nữa, tùy theo hiệu quả công việc.

 

Những cánh đồng ông Thiều đi qua đều vắng bóng chuột

Ông Thiều cùng với nhân viên đi tới từng hợp tác xã và từng hộ dân để tiếp thị, ký hợp đồng với giá cả rất phải chăng: 5kg thóc/sào và chấp nhận điều kiện: “Nếu để chuột phá hoại từ 5 mét vuông trở lên sẽ đền 200kg thóc”. Đã có biết bao nhiêu hợp đồng được thanh lý nhưng công ty ông chưa phải mất một hạt thóc nào để đền bù cho dòng chữ ấy.

Ông mở tủ đưa ra một chồng hợp đồng, ký với toàn các “đại gia”, nào là Sân bay Quốc tế Nội Bài (5 triệu đồng/ tháng); Nhà máy Bia Đông Nam Á (2 triệu đồng/tháng), Nhà máy sữa Vinamilk (2 triệu đồng/tháng) cùng vô số hợp đồng đơn lẻ của các hợp tác xã, các chi cục bảo vệ thực vật các địa phương. Tính sơ sơ, mỗi năm doanh nghiệp diệt chuột của ông cũng có doanh thu nửa tỉ đồng.

Trong đống thư từ giấy tờ lộn xộn của ông có rất nhiều thư cảm ơn từ TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Cà Mau… Mấy năm qua, ông Thiều đã gửi vào khoảng 30 ngàn chiếc bẫy và nhiều tờ rơi huớng dẫn 15 cách phát hiện đường đi của chuột. Mới đây, một cán bộ ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre viết thư ra được ông Thiều gửi vào tặng 50 chiếc bẫy để làm thí điểm, nếu tốt sẽ ký hợp đồng lâu dài.

Khi đi giao dịch, bao giờ ông Thiều cũng làm thử. Sau một đêm nếu không diệt được 10kg chuột thì ông sẽ không ký hợp đồng.

Mới đây, công ty của ông đã được một vài công ty lớn của Trung Quốc, Thái Lan đến tìm hiểu để chuẩn bị ký hợp đồng. Từ một cái nghề lãng xẹt, tưởng chừng chẳng mấy ai quan tâm, nay ông Thiều đã dựng lên một công ty làm ăn phát đạt. Trước khi chia tay với chúng tôi, ông vui vẻ khoe: “Tí nữa, nhân viên của công ty tớ lại lên đường vào Đồng Nai để “đánh” cho một công ty lớn”. Chưa nói hết câu, điện thoại ông lại lảnh lót vang lên tiếng nhạc quen thuộc: “Alô, Thiều “chuột” đây!…”.